top of page

TRUNG TÂM ANH NGỮ TEPPI(*) Phần 1

drvietschool

Updated: Feb 23, 2022

Phần 1: Những khó khăn của Hồng Nhung

Hồng Nhung năm nay 33 tuổi. Cô là giảng viên Anh ngữ của Trường Cao Đẳng Kent, một Trường Cao đẳng nghề của Úc có hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo tại Việt Nam.

Nhung nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, năm đó Nhung 30 tuổi, vừa lập gia đình được một năm và mới sinh Jerry được 4 tháng. Chỉ còn 2 tháng nữa Nhung phải đi làm, Jerry còn quá nhỏ để đi gửi nhà trẻ. Hàng ngày, trên báo đăng đầy tin tức trẻ con bị ngạt cháo, bị bảo mẫu đánh đập… Nhung cảm thấy không yên tâm khi gửi con.

Nhung đã quyết định phải làm gì đó. Công việc sắp tới phải vừa chăm con vừa kiếm thêm thu nhập. Hai vợ chồng Cô vừa chuyển đến khu chung cư HappyHome. Giá thuê căn chung cư này đã mất mỗi tháng của vợ chồng Cô 6 triệu, nếu tính hết cả tiền điện, nước, phí quản lý… phải thêm gần 1 triệu. Nhưng làm gì là làm cái gì? Nhung chỉ biết mỗi tiếng Anh. Cô luôn là sinh viên xuất sắc khoa Sư phạm Anh từ thời đại học. Cô thích làm bất kỳ điều gì liên quan đến tiếng Anh. Thời sinh viên, Nhung đã từng đi trợ giảng cho các Trung tâm Anh ngữ quốc tế để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa cải thiện khả năng phát âm. Bốn năm trợ giảng cho British Council và VUS đã mang lại cho Nhung khả năng phát âm rất chuẩn, Nhung có thể nói tốt cả giọng Anh và giọng Mỹ. Nhung cũng từng nhận công việc dịch thuật. Biên phiên dịch là công việc rất vất vả nhưng bù lại, nó mang đến cho Nhung lượng từ vựng phong phú mà một sinh viên sư phạm không thể nào có được.


Nhung cảm thấy rất buồn và lo lắng. Nếu thuê một người trông trẻ thì mỗi tháng mất thêm một khoản phí, ít nhất là 5 triệu mỗi tháng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng cô trung bình khoảng 30 triệu. Tiền thuê nhà, tiền sữa, chi tiêu hàng ngày đã mất hơn một nửa thu nhập. Nếu phải thuê thêm người làm thì khoản tiết kiệm còn lại rất ít.


Mỗi chiều tối Nhung thường đẩy xe đưa Jerry đi dạo. Nhung quan sát khu chung cư mình vừa đến. Đó là khu chung cư thuộc tập đoàn Bắc Long. Khu chung cư này có 12 block. Mỗi block có 9 tầng, mỗi tầng có khoảng 40 căn hộ. Vậy là hơn 4000 căn hộ, mỗi căn hộ có từ 2 đến 4 người. Mỗi buổi chiều chủ nhật, Nhung ra công viên của khu dân cư và quan sát. Nhung thấy đa số các gia đình ở đây đều là gia đình mới cưới. Mỗi gia đình có từ một đến 2 trẻ. Lượng trẻ con tập trung ở 5 công viên chung rất đông. Một trường mầm non của khu chung cư nhận hàng tháng 800 trẻ, nhiều phụ huynh phải gửi con chỗ khác. Nhung đi dạo vòng quanh khu dân cư và quan sát cẩn thận. Cô ghi chú tỉ mỉ những gì mình quan sát được vào điện thoại. Khu chung cư nhà Cô có 4 cửa hàng tạp hóa nhỏ, một siêu thị Vinmart, một siêu thị chợ Quê và một Family Mart. Mặt trước của khu dân cư thường tập trung các tiệm ăn: một tiệm phở, một tiệm bánh cuốn, 2 xe bánh mì, 3 quán bún bò huế ở mặt hông. Phía Block B4 là 2 quán hủ tiếu Nam Vang. Chi phí trung bình cho mỗi phần ăn sáng ở đây khoảng 30 đến 40 nghìn. Mỗi ổ bánh mì kẹp thịt 15000. Chỉ có một gánh xôi mặn, bánh giò của bà Tư. Bà Tư quê Bến Tre, bà không đủ tiền thuê mặt bằng nên đẩy xe bán xôi góc B4 và A2. Con nít đến gánh xôi bà ăn thường ngồi ghế nhựa. Mỗi suất xôi hay bánh giò của bà trung bình 15000.


Nhung tiếp tục quan sát. Dịch vụ ăn uống xem như quá đầy đủ với khu dân cư của Cô. Quán cà phê thì block nào cũng có, từ Milano đến cà phê Football Ngoại hạng. Đông nhất là các quán nhậu buổi chiều. Các quán bán đồ ăn sáng thường cho thuê lại bán đồ nhậu buổi chiều và tối. Mình không thể tiếp tục mở quán ăn hay cà phê được – Mình cũng không thể làm chiếc xe đẩy xôi cạnh tranh với bà Tư. Nhung kết luận, mình cũng không có khiếu nấu ăn.

Với những tiện ích khác, khu chung cư này có 3 tiệm làm tóc, 2 tiệm Spa. Tiệm làm tóc rất đông khách, có lần Nhung phải đợi gần 2 tiếng để có thể được phục vụ. Riêng tiệm Spa thì đổi chủ liên tục. Mặt bằng được sang lại 3 lần chỉ trong vòng 2 năm – Nhung kể.

Ở dãy B1 có một tiệm thuốc Tây và một phòng mạch Bác sĩ đa khoa. Phòng mạch đóng cửa sau 1 năm hoạt động vì không có khách, lúc Nhung mới đến, một Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng đến để thuê lại mở phòng mạch nhi với 12 triệu /tháng, nhưng 6 tháng sau đã treo bảng cho thuê lại mặt bằng. Có lẽ người dân ở đây đi khám bệnh chỗ khác.

Chỗ Nhung ở có 2 nhà dạy hát và piano cho trẻ. Nhưng không khí rất ảm đạm, Nhung không thấy cảnh phụ huynh đưa đón trẻ nhộn nhịp. Trẻ con ở đây thường chơi ở công viên hoặc đi bơi ở hồ bơi cộng đồng. Những gì Nhung quan sát và chứng kiến được cho thấy người dân ở đây không thuộc tầng lớp thu nhập thấp. Mỗi Block nhà đều có khu vực dành riêng cho xe hơi và luôn chật kín. Lớp Yoga duy nhất mỗi tháng 600000 VNĐ dành cho chị em phụ nữ cũng hoạt động liên tục từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Tuy vậy, chưa có một nơi dạy tiếng Anh nào cho trẻ. Qua trao đổi với các ban quản lý từng cụm nhà, Nhung biết lượng trẻ em ở đây hơn 2000 bé, độ tuổi đi học mẫu giáo khoảng hơn 1000 bé. Các gia đình có điều kiện thường phải chở con qua Khu Tên Lửa cách đó 8 km để học Anh ngữ, học Toán Kumon. Một số gia đình phải chở con lên tận đường 3 tháng 2 hoặc Lý Thường Kiệt , quận 10.

Nhung nghĩ rằng có một trung tâm Anh ngữ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên là một ý tưởng không tồi. Cô chia sẻ với Hoàng - chồng Cô, một kỹ sư xây dựng về ý tưởng này. Ở thời điểm đó, Hoàng đã gạt phắt đi khi Nhung chưa kịp nói hết. “Em điên à, giáo viên như em thì làm sao biết được những khó khăn khi tự mở trung tâm Anh ngữ, em có được đào tạo gì về kinh doanh đâu? Rồi làm sao có được học trò?

Nhung thấy chồng nói đúng, Cô không được học về quản lý, chưa từng biết về Marketing, Nhung chưa từng biết phải làm gì nếu mình là chủ một trung tâm Anh ngữ. Kinh nghiệm duy nhất mà Nhung có là làm trợ giảng cho các Trung tâm Anh ngữ nổi tiếng. Những trung tâm này luôn kín học viên và có lợi nhuân tăng đều qua các năm. Học viên của Trung tâm này có thể tốn trung bình từ 50 đến 60 triệu mỗi năm tùy gói học.

Càng nghĩ, Nhung càng cảm thấy lo lắng. Nếu mở một trung tâm Anh ngữ thì quy mô của nó như thế nào? Học phí ra sao là phù hợp? Mình phải làm sao để có được học viên đây?

(*)Tình huống mô phỏng dựa trên một câu chuyện có thật, các nhân vật đã được đổi tên. Tên gọi các tổ chức trong tình huống được tác giả đưa vào chỉ nhằm mục đích giáo dục. Tình huống được biên soạn bởi GVHD – Cao Quốc Việt, bản quyền thuộc về tác giả.

1,460 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page